Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Để hiểu về nguồn gốc và sự tồn tại chữ Việt cổ

Phần 1:
Chúng ta đã nghiên cứu, đàm đạo, tổ chức hội thảo, tìm kiếm, phục hồi chữ Việt cổ hàng trăm năm nay. Chắc chắn từ hàng nghìn năm trước ông cha ta cũng đã làm như vậy. Nếu không những dấu tích cuối cùng đã chẳng còn hiện hữu trong dân gian, sách vở, tài liệu, di vật...
Phải nhìn nhận sự việc một cách khách quan. Trải qua hơn hai nghìn năm bị cấm đoán, vùi dập, xóa dấu vết lại nằm trong bối cảnh cổ xưa khi việc lưu trữ đơn sơ (trên đồng, đá, tre, xương, gỗ, giấy cổ...) làm sao giữ được một di bản gốc gác nào nguyên vẹn. Nếu có cũng bị đốt phá, ỉm đi. Kể cả lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc còn bị ghi sai lệch, bóp méo, áp đặt dẫn tới những quan điểm, hiểu biết sai lạc.
Lịch sử, văn hóa dân tộc Việt chỉ còn tồn tại qua dã sử, truyền thuyết, võ đoán... Tuy vậy nguồn gốc văn minh, trí tuệ có tính dân tộc cao vẫn giúp chúng ta lưu trữ được những thông tin quý giá nếu như không muốn nói là cực kỳ quý giá nằm đâu đó chờ cơ hội phát lộ.
Tất nhiên nước chảy đá mòn, sao rời vận đổi, nếu không tâm huyết, thay đổi tư duy suy nghĩ chúng ta sẽ mãi mãi mất đi những di sản minh chứng cho một dân tộc Việt trường tồn qua hàng chục nghìn năm lịch sử.
Dân tộc còn (dẫu trải qua hàng nghìn năm bị xâm chiếm, đô hộ), chắc chắn phải tồn tại một nền văn hóa (trong đó có chữ viết mà ta đang thấp thoáng thấy ở đâu đó).
CLB chữ Việt cổ với mong muốn làm nơi chuyển tải, cập nhật thông tin cho những quyết tâm tìm về cội nguồn, giao lưu giữa những người tâm đắc chữ Việt cổ.
Nếu chỉ có vài người biết chữ Việt cổ lại không có điều kiện kinh tế, trình độ kiến thức cao, quan hệ rộng rãi, giao lưu đi lại chúng ta sẽ mãi là con ếch nằm dưới đáy giếng nhìn lên thấy vài ngôi sao và một lúc nào đấy thấy mặt trời rồi trong đêm tối khi thấy mặt trăng lại tưởng là mắt mình bị mờ lòa... nghi ngờ, thất vọng.
Phải có hàng trăm, hàng nghìn, hàng trăm nghìn người trải nghiệm với việc đếm sao, nhận biết mặt trời, mặt trăng để đến lúc gặp nhau có thể kết luận rằng trên kia là cả một bầu trời với triệu triệu ngôi sao tinh tú, nhiều nhiều mặt trời, nhiều nhiều mặt trăng (người ta gọi là hệ mặt trời, thiên hà...). Chữ Việt cổ nằm trong một hệ mặt trời đó. Lớn hơn có thể là một thiên hà, vũ trụ.
Chữ Việt cổ không phải của riêng ai, càng không được úp mở, cất đậy vụng về. Tuyệt đối không suy diễn hoang tưởng. Ta có thể chứng minh được có và cũng có thể chứng minh được không có. Làm khoa học là như vậy. Luận án nào chẳng có phản biện. Một bài phản biện tốt cũng là một phần thành công của luận án tốt nghiệp.
Hãy dũng cảm nói lên sự thật khẳng định cho dân tộc mình: CÓ hoặc KHÔNG CÓ chữ Việt cổ.
Tôi tin ở sự tồn tại của chữ Việt cổ. Bạn hãy tin! Do vậy chúng ta phải nghiên cứu tìm hiểu, học tập và ủng hộ, giúp đỡ nó.
Chúc các bạn sức khỏe.
PS: Trong bài đăng sau tôi sẽ giới thiệu một bài viết của một học giả về lịch sử dân tộc Việt qua đó có thể thấy sự liên quan của tộc Việt với chữ Việt cổ. Xin chú ý đón xem.